Vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhiều người thắc mắc uống rượu bia bao lâu mới hết nồng độ cồn để có thể cầm lái?
Cảnh sát giao thông xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Cảnh sát giao thông
Chia sẻ với Báo Lao Động, một cán bộ giám định viên trong ngành công an cho biết, hiện nay trong ngành giám định, chỉ có công trình khoa học nghiên cứu thời hạn đo nồng độ ma túy trong máu, nước tiểu. Về mặt khoa học, chưa có công trình nào nghiên cứu chính xác khi nào hết nồng độ cồn.
Về lý thuyết, sau khi uống rượu bia thì qua ruột vào máu, đào thải qua gan và thận, sau 1-2 ngày mới có thể hết được. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc lượng rượu bia cũng như sức khỏe của người uống.
“Qua quá trình kiểm tra, nhiều người dùng “mẹo” để trốn kiểm tra nồng độ cồn như đánh răng, ăn kẹo cao su, mắm tôm “át” đi mùi cồn. Thế nhưng, những cách này đều vô hiệu. Bởi cảnh sát giao thông đo, phân tích bằng máy móc và lấy hơi thở từ phổi, không phải trong miệng”, cán bộ giám định này cho biết thêm.
Trên thực tế, từ khi siết chặt xử phạt nồng độ cồn, người dân dần thay đổi thói quen sử dụng rượu bia.
Anh Nguyễn Quốc Giang ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, từ khi siết chặt xử phạt nồng độ cồn, anh đã dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện. Thay vì tự lái xe máy hoặc ôtô đi nhậu, anh Giang chuyển sang gọi xe ôm, taxi.
“Ban đầu, tôi cảm thấy rất bất tiện vì vừa tốn kém, vừa không chủ động. Tuy nhiên, đi dần cũng quen. Đi xe ôm, taxi vừa an toàn lại không lo bị xử phạt nồng đồ cồn. Mỗi chuyến đi nhậu tôi cộng thêm 100 – 200 nghìn tiền xe ôm, taxi, cảm thấy an tâm về nhà”, anh Giang chia sẻ.
Thời gian qua, người dân dần nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông. Tiêu biểu, sau 1 tuần triển khai kế hoạch của tổ công tác Bộ Công an phối hợp với lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện chuyên đề nồng độ cồn, ma túy trên tuyến Quốc lộ 20 đi qua tỉnh Đồng Nai, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn đã giảm rõ rệt.
Dịp cuối năm, dự báo tình hình vi phạm tải trọng và nồng độ cồn sẽ diễn biến phức tạp. Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục duy trì các phương án kế hoạch xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, trong đó cương quyết xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, ma tuý. Lãnh đạo công an các địa phương sẽ chịu trách nhiệm nếu để các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông tái diễn.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/uong-bia-ruou-bao-lau-moi-het-nong-do-con-de-lai-xe-1263665.ldo
Post a Comment